Xây dựng đề án đưa thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp đi xuất khẩu lao động

Theo thông tin từ ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH – cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng đề án xuất khẩu lao động có trình độ cao, được coi là mở ra cơ hội cho hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.

Để tìm cách giải quyết thực trạng 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ông Doãn Mậu Diệp cho biết, Bộ đang đang giao Cục quản lý lao động ngoài nước xây dựng đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025” để trình Chính phủ.

Đề án hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu lao động trình độ cao ở một số ngành nghề như hộ lý, điều dưỡng sang Nhật, Đức; cơ khí, công nghệ thông tin, điện tử sang Hàn Quốc và hướng đến một số thị trường mới như Slovakia, Cộng hòa Czech… Đây được xem là hướng đi cho số lao động có trình độ đại học, cao đẳng đang thất nghiệp có cơ hội tham gia các chương trình xuất khẩu lao động, tìm việc làm.

Gần đây, Bộ cũng bắt đầu đưa những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở nhóm ngành điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc ở Đức, Nhật Bản và lao động kỹ thuật có bằng cấp chuyên môn sang Hàn Quốc theo chương trình Visa E7. Tuy nhiên, số lượng lao động đi theo những chương trình này còn rất hạn chế.

Cục quản lý lao động ngoài nước sẽ có những đánh giá nhu cầu thị trường để hoàn thiện đề án. Tuy nhiên, đê án cũng đặt rõ mục tiêu sẽ thương thảo với đối tác. Dựa vào nhu cầu sẽ mở từng thị trường chứ không thể mở đồng loạt.

Một trong những vấn đề cần lưu ý đối với lao động trình độ cao đó là dù đã qua đào tạo nhưng muốn tham gia vào các chương trình này đều phải được hỗ trợ bồi dưỡng về ngoại ngữ, tay nghề, văn hóa, hoặc đào tạo ngắn hạn để chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với thị trường tiếp nhận lao động.

Theo ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, số lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài tăng đều trong 3 năm nay, song các thị trường như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… ngày càng khắt khe, yêu cầu cao về chất lượng. Người lao động ngoài sức khỏe, tay nghề, còn phải đáp ứng được các kỹ năng khác như ngoại ngữ, ứng xử.

Ông Nguyễn Xuân An, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Lao động VN nhận định, nếu đề án sớm triển khai, sẽ giảm xuất khẩu lao động có trình độ tay nghề thấp, làm những việc nặng nhọc, độc hại, lương thấp.

Với lao động có trình độ tay nghề, việc học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt chuyên môn sẽ nhanh chóng hơn, hình ảnh và uy tín của lao động VN cũng sẽ được nâng lên đáng kể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.