Những đổi thay trong kỳ thiTHPT quốc gia 2019 được Bộ GDĐT công bố mới đây, trong đó có việc sẽ tăng tỉ lệkết quả thi lên 70% trong xét công nhận tốt nghiệp đang khiến người học thấy băn khoăn. Còn theo dự đoán của các giáo viên: nguy cơ học sinh trượt tốtnghiệp THPT 2019 có thể sẽ gia tăng.
Nỗ lực giảm bệnh thành tích
Trước đó trong tháng 9/2018, tại phiên giải trình việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ GDÐT Phùng Xuân Nhạ cho biết năm 2019 vẫn duy trì kỳ thi THPT quốc gia nhưng không phục vụ mục đích “2 trong 1” mà chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông.
Và theo hướng đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia 2019 mà Bộ GDĐT mới công bố, việc tăng tỉ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT đang khiến phụ huynh và học sinh thấy thấp thỏm. Dự kiến, điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2019 gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
Theo lý giải của Bộ GDĐT, sở dĩ những năm vừa qua tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao, một phần cũng bởi việc dùng điểm thi kết hợp với điểm học bạ lớp 12 để xét tốt nghiệp THPT. Như thế, trong một thời gian dài, điểm học bạ gần như “phao cứu sinh” để nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp của các trường, các địa phương. Tuy nhiên, từng bước, Bộ sẽ phải tiến tới giảm tỉ lệ điểm học bạ để làm sao ý nghĩa của kỳ thi phải thực sự trở về đúng bản chất, thực chất. Do đó, từ năm 2019, đề thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉnh theo hướng tốt nghiệp phổ thông, bám sát vào yêu cầu của chương trình THPT. Các trường ĐH,CĐ sử dụng hay không là việc của trường. Không thể hiểu thuần túy “2 trong 1” mà ép học sinh phải học và thi với cả hai mục tiêu. Đề thi sẽ chủ yếu, căn bản là nội dung chương trình lớp 12.
Dẫu thế, điều chỉnh kết quả THPT theo tỉ lệ này đã thỏa đáng hay chưa? Theo các giáo viên có kinh nghiệm lâu năm luyện thi tại Hà Nội, với thay đổi trong phương án thi THPT quốc gia 2019 mà Bộ GDĐT vừa công bố, học sinh được 4 điểm/môn ở kỳ thi THPT quốc gia vẫn có nguy cơ trượt tốt nghiệp. Thậm chí theo ước tính, nếu chỉ dùng 30% điểm học bạ để xét tốt nghiệp, thì tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2019 có thể sẽ giảm tới trên 10%.
Trước thay đổi của phương án thi THPT quốc gia 2019 theo hướng tăng tỉ lệ kết quả thi lên 70% trong xét công nhận tốt nghiệp, TS Lê Viết Khuyến- nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng đây là sự điều chỉnh hợp lý. Việc siết cộng điểm học bạ sẽ giúp cho giảm bệnh thành tích và tăng tính khách quan của một kỳ thi quốc gia. Tuy nhiên, cũng không nên chủ quan với tỉ lệ 30% điểm số từ học bạ. Bởi rất có thể sẽ có việc “chạy” học bạ để được cộng thêm điểm- dù ít, dù nhiều. Như thế, việc xét tuyển ĐH cũng bị ảnh hưởng, vì năm 2019 nhiều trường ĐH vẫn dùng điểm tốt nghiệp THPT quốc gia để tuyển sinh.
Tuyển sinh bằng đánh giá năng lực
Nhận định về điều này, TS Nguyễn Quốc Chính- Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng, ĐH Quốc gia TPHCM cho biết: Bản chất của kỳ thi THPT quốc gia từ trước đến nay chủ yếu vẫn để xét tốt nghiệp. Thí sinh giỏi dù thi bất cứ hình thức nào cũng có kết quả tốt. Nếu đề thi tốt sẽ giúp phân hóa tốt hơn và ngược lại. Vì vậy, ĐH Quốc gia TP HCM vẫn tiếp tục sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển cùng với các phương thức khác. Theo đó, trường vẫn sẽ có bốn phương thức tuyển sinh: Xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, ưu tiên xét tuyển theo quy định ĐH Quốc gia TP HCM, xét tuyển thẳng và xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực.
Tuy nhiên, sẽ có một số thay đổi cơ bản trong mùa tuyển sinh năm 2019 của ĐH Quốc gia TP HCM là sẽ xem xét tăng chỉ tiêu tuyển sinh theo kết quả thi đánh giá năng lực. Mới đây, ngày 11/12, ĐH Quốc gia TP HCM cũng đã chính thức công bố thời gian thi và bài thi mẫu kỳ thi đánh giá năng lực năm 2019. Theo đó, bài thi đánh giá năng lực sẽ gồm 120 câu, thực hiện trong 120 phút. Dạng bài thi trắc nghiệm 4 lựa chọn, chỉ có duy nhất 1 phương án đúng.
Cùng với đó, hiện nhiều trường ĐH cho biết đã và đang xây dựng kế hoạch, đề án tuyển sinh 2019 với một số điều chỉnh về phương thức, nhưng sẽ không gây xáo trộn nhiều, tránh ảnh hưởng đến thí sinh.
Từ thực tế tuyển sinh thời gian qua, một câu hỏi lớn cũng đang được đặt ra: Sau năm 2020, các trường ĐH sẽ tuyển sinh ra sao? Có cần thành lập các trung tâm khảo thí để thực hiện việc xét tuyển cho các trường? Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cùng với việc tự chủ tuyển sinh và tự chủ ĐH, xu hướng sắp tới trong tuyển sinh sẽ có các trường lớn hoặc nhóm trường có thể đứng ra tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, hoặc có các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp đứng ra tổ chức kỳ thi này. Ở Việt Nam hiện đang ở giai đoạn đầu của xu hướng này qua kỳ thi đánh giá năng lực ở một số đơn vị như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM hay một số trường đang muốn thành lập các nhóm tuyển sinh chung…
Cũng theo bà Phụng, trước các xu hướng này có ý kiến cho rằng Bộ nên chủ trì một trung tâm khảo thí để hỗ trợ các trường. Tuy nhiên, chủ trương của Bộ chủ yếu hỗ trợ về cơ chế chính sách và kiểm tra giám sát, còn những gì các trường làm được thì không coi là việc của Bộ.
Theo đó, bà Phụng nhấn mạnh: Việc tuyển sinh phụ thuộc vào mục tiêu đào tạo của các trường, cần có đánh giá phù hợp với điều kiện trường mình. Nếu có thể thì các trường, nhóm trường có thể đứng ra tổ chức thực hiện. Hoặc các trường có thế mạnh cũng có thể thành lập trung tâm khảo thí để tổ chức thi cho trường mình và các trường khác.
* TS Lê Viết Khuyến-nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng đây là sự điều chỉnh hợp lý.Việc siết cộng điểm học bạ sẽ giúp cho giảm bệnh thành tích và tăng tính kháchquan của một kỳ thi quốc gia. Tuy nhiên, cũng không nên chủ quan với tỉ lệ 30%điểm số từ học bạ.
Nguồn: daidoanket.vn