Đề thi THPT quốc gia 2019 sao kịp chuẩn hóa!

Phương án thi THPT quốc gia năm 2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố không tạo sự yên tâm cho các chuyên gia giáo dục, đặc biệt về khâu biên soạn ngân hàng câu hỏi thi

Nhiều ý kiến cho rằng đề thi THPT quốc gia  2018 được thiết kế với 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao đã tạo áp lực đối với thí sinh chỉ có một mục tiêu thi xét tốt nghiệp THPT mà không có nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ. Chính vì ra đề theo hướng phục vụ việc xét tuyển ĐH, CĐ nên đề thi bị “lệch chuẩn”, không phân hóa tốt vì một số môn thi có nhiều câu quá khó, khác hẳn tính chất của kỳ thi THPT quốc gia. Còn năm 2019, đề thi sẽ như thế nào?

Mức độ khó – dễ vênh nhau quá lớn

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp – Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho rằng phương án thi 2019 của Bộ GD-ĐT vẫn còn không ít vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, đặc biệt là đề thi. Theo ông Vinh, việc xây dựng một đề thi cho hai mục tiêu, vừa xét tốt nghiệp THPT vừa sử dụng kết quả để xét tuyển sinh ĐH, CĐ là không dễ.

Trên thực tế, Bộ GD-ĐT cho rằng đề thi dựa trên cơ sở ngân hàng đề thi được xây dựng “theo hướng chuẩn hóa”, mô phỏng quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa của các nước tiên tiến trên thế giới. Nhưng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sau khảo sát kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 lại cho rằng cách thức xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi của Bộ GD-ĐT chưa bảo đảm các tiêu chí về chuẩn hóa (quy trình triển khai thực tế chưa được thẩm định, giám sát và đánh giá độc lập về tính khách quan, khoa học khi đây là những yêu cầu với việc ra đề thi cấp quốc gia).

Phần lớn ngân hàng câu hỏi dựa trên nguồn là mẫu đề thi của các trường THPT trên cả nước, vì vậy khó đáp ứng yêu cầu đặt ra vì đây chưa phải là ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa. Mặt khác, hình thức thi trắc nghiệm khá mới ở một số môn, kinh nghiệm làm đề thi trắc nghiệm của đội ngũ giáo viên các trường chưa nhiều. Chất lượng đề thi ở một số môn còn bất cập như mức độ khó – dễ của từng đề trong mỗi môn thi, độ chênh nhau quá lớn giữa năm sau với năm trước nên kết quả thi chưa phản ánh chính xác, công bằng về năng lực của một bộ phận học sinh. Điều đó cho thấy sự chuẩn hóa của ngân hàng đề thi chưa bảo đảm, quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi cũng chưa đủ minh bạch.

Bài toán khó

“Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa thực sự là một bài toán khó với Bộ GD-ĐT nói chung và Cục Quản lý chất lượng nói riêng” – ông Hoàng Ngọc Vinh khẳng định. Theo chuyên gia này, ai cũng hiểu tính chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT khác như thế nào đối với việc tuyển sinh ĐH, CĐ. “Vài năm qua, tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp rất cao, đều trên 97% đã gây băn khoăn về vị trí và giá trị của kỳ thi. Nếu điểm thi THPT bị cho đánh giá chưa phản ánh đúng thực chất năng lực học sinh, thì có đáp ứng được mục tiêu sử dụng xét tuyển ĐH, CĐ? Trong khi đó, đa số các trường hiện đang xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT…?” – ông Vinh đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét thấu đáo tất cả các vấn đề này để thi cử thoát khỏi tình trạng luôn đổi mới hằng năm nhưng thực chất là chẳng đổi mới gì!

Một chuyên gia tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng ra đề theo cách thức “2 trong 1” là việc rất khó của những người biên soạn đề. Thực tế, việc xây dựng ngân hàng câu hỏi đòi hỏi thời gian chuẩn bị công phu với các quy trình và nội dung chặt chẽ, không được phép xảy ra tình trạng “năm quá dễ, năm quá khó”. Thế nhưng, ở thời điểm này, thời gian đến kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã rất gần, Bộ GD-ĐT vẫn chưa đưa ra một quy trình làm đề thi chuẩn hóa khiến học sinh và phụ huynh yên tâm.

Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cũng bày tỏ sự băn khoăn đối với bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trên thực tế, nội dung bài thi không thể hiện tổ hợp kiến thức mà chỉ là sự lắp ghép cơ học của 3 môn học khác nhau. Điều này tạo áp lực cũng như sự quá tải đối với thí sinh vì trước đây các em chỉ thi một môn/buổi thì nay phải dồn nén kiến thức của 3 môn trong cùng một bài thi.

Không còn thời gian thử nghiệm

Một chuyên gia tuyển sinh cho rằng để bảo đảm các câu trắc nghiệm không quá khó hoặc quá dễ đối với thí sinh lớp 12 trải ở khắp các vùng miền khác nhau của đất nước thì cần phải có thời gian thử nghiệm, đánh giá. Nhưng thời điểm này đã là kết thúc học kỳ I của năm học, lấy đâu ra học sinh cuối lớp 12 để thử nghiệm, phân tích, đánh giá và chuẩn hóa đề thi? Bộ GD-ĐT lấy gì bảo đảm đề thi năm nay sẽ không quá dễ hoặc quá khó như những năm trước?

Nguồn: nld.com.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *