Cứ mỗi dịp sắp kết thúc năm học, học sinh cuối cấp cũng như các bậc phụ huynh lại trăn trở, băn khoăn, học đại học hay học nghề để không lo thất nghiệp? Đây cũng là nỗi niềm của ngành giáo dục nước nhà khi tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc làm trái ngành ngày càng gia tăng.
Trên nhiều diễn đàn, đa số phụ huynh đều bày tỏ quan điểm muốn con vào đại học và kiếm được một ngành nghề phù hợp và có vị trí xã hội nhất định. Tuy nhiên, một thực tế khá phũ phàng, theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, mỗi năm có đến hàng trăm nghìn sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Đã có nhiều câu chuyện buồn được chia sẻ, nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp đã tự tay đốt đi tấm bằng đại học mà bản thân dày công đạt được trong 4 – 5 năm đại học. Hay câu chuyện sinh viên một trường đại học danh giá tại Hà Nội tốt nghiệp loại ưu về bán bánh tráng trộn, nữ sinh vùng cao cầm tấm bằng sư phạm loại giỏi cũng không xin được việc làm, đành ở nhà nuôi lợn, chăn bò và vô vàn những câu chuyện tương tự khác.
Đại học là con đường dẫn đến thành công nhưng thực tế không phải là con đường duy nhất. Sẽ còn có những con đường khác tốt hơn nếu mỗi người có đam mê, chọn mục tiêu cho bản thân và vạch ra đúng lộ trình cho chính mình. Có rất nhiều người trẻ đã có trong tay tấm bằng cử nhân, thạc sĩ nhưng không làm được việc, nhưng cũng có nhiều người không học đại học vẫn có thể thành công.
Thực tế, nhiều nhà tuyển dụng, nhất là những công ty nước ngoài không còn chú trọng đến bằng cấp mà ưu tiên kỹ năng và kinh nghiệm làm việc. Điều này lại thiếu trong hầu hết các trường đại học hiện nay. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, chương trình đại học còn coi nhẹ thực hành, coi nhẹ vận dụng kiến thức, nặng về lý thuyết, hàn lâm, không gắn với thực tiễn, không gắn với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Vì vậy, chuyện sinh viên ra trường bị thất nghiệp hoặc dễ bị đào thải là điều dễ hiểu.
Nếu như trước đây, quan niệm học nghề là lựa chọn cuối cùng khi không thể vào đại học đã ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều người, thì hiện nay, nhiều bạn trẻ đã chủ động lựa chọn học nghề ngay từ đầu. Tỷ lệ thí sinh đăng ký vào các trường nghề, cao đẳng có xu hướng gia tăng. Qua đó, rút ngắn khoảng cách 4 năm đại học xuống còn 1 – 2 năm với các trường học nghề đặc thù.Quả thực, học nghề không phải đường cùng mà là bước khởi đầu để đi đến nhiều con đường khác rộng mở hơn. Nhiều chuyên gia khuyến cáo, đừng quan trọng học trường gì, có được bằng cấp gì, mà hãy đặt câu hỏi, mình sẽ làm được những việc gì? Xác định mục tiêu của bản thân để phấn đấu, học đi đôi với hành, trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng, tâm huyết với ngành nghề mình lựa chọn, chắc chắn sẽ thành công.