Lựa chọn một ngành nghề mà mình sẽ làm trong tương lai luôn là một quyết định khó khăn. Ngay cả những sinh viên đại học, cao đẳng hay các chuyên gia dày dạn cũng cần tìm đến lời khuyên về định hướng nghề nghiệp từ các nhà tư vấn.
Bạn đang có những ý tưởng, kế hoạch cho tương lai? Bạn nhận ra đam mê thật sự của mình là gì? Hay bạn còn đang phân vân trước những ngã rẽ, những sự lựa chọn sắp đến?
Để tìm lời giải thích hợp nhất cho những câu hỏi trên thì ngay tại điểm khởi đầu này, hãy tiến hành một cuộc khảo sát cho chính bản thân mình để từ đó có thể lựa chọn một ngành nghề lý tưởng cho bản thân. Vậy bây giờ sẽ bắt đầu tiến hành như thế nào?
Xác định rõ ràng những gì mình muốn và không muốn
Khi kỳ thi quan trọng đã qua đi thì đây là lúc bạn hãy dành thời gian và tự hỏi bản thân thật sự muốn gì từ công việc mà nó có thể mang lại. Bạn có thể khám phá ra những mục tiêu và kế hoạch cho tương lai sắp đến đó bằng cách đặt cho bản thân những câu hỏi như:
Bạn thích làm gì?
Khi làm những điều bạn thích, bạn sẽ vận dụng những kỹ năng đặc biệt gì?
Điều gì làm cuộc sống của bạn trở nên ý nghĩa?
Bạn giỏi trong những lĩnh vực nào?
Điều gì khiến bạn nghĩ mình làm sẽ tốt hơn so với mọi người?
Những gì bạn làm có khiến cho bản thân cảm thấy hạnh phúc?
Bạn có chấp nhận đánh đổi một điều gì đó quan trọng để đạt được những gì mình muốn?
Một khi bạn đã tìm ra câu trả lời, bước tiếp theo bạn sẽ biết mình nên làm những gì để có thể cụ thể hóa mục tiêu và biến nó trở nên định hình, rõ ràng hơn.
Đồng thời trước khi quyết định một ngành nghề cụ thể nào đó cũng giống như việc lựa chọn vai diễn phù hợp trong một bộ phim, bạn nên xét tất cả khía cạnh liên quan dựa vào sở thích và năng lực cá nhân.
“Mỗi con đường khác nhau sẽ đòi hỏi năng lực khác nhau, và không phải ai cũng hội tụ đủ các kỹ năng cần thiết hay phát triển hết các năng lực để có thể tiếp bước với những gì đã chọn,” DiMartile, chủ tịch của công ty DiMartile HR nói với Business News Daily.
Ước muốn của bản thân là vô cùng quan trọng bởi nó sẽ là động lực để bạn có thể vượt qua những khó khăn đang chờ đợi phía trước.
Kiểm tra, đánh giá lại hồ sơ năng lực và tính cách của bản thân
Khi đã biết những gì bạn muốn làm cho sự nghiệp tương lai, tiếp theo bạn cần đánh giá trình độ của bản thân đối với công việc trong lĩnh vực đó. Hai trong số những yếu tố quan trọng nhất trong việc lựa chọn con đường lý tưởng sẽ đi là hồ sơ năng lực (giáo dục, kinh nghiệm, kỹ năng thực hành) và cá tính của bạn (đặc điểm tính cách, sở thích, giá trị). Cả hai nên được đánh giá một cách khách quan và toàn diện, tuy nhiên cũng tùy thuộc vào tính chất công việc mà cá tính có thể quan trọng hơn, nổi trội hơn so với những gì được ghi trên hồ sơ lý lịch mà bạn đang sở hữu.
Có trong tay một tấm bằng tốt nghiệp về ngành nghề mà mình theo đuổi là điều khiện cần để ứng tuyển vào một công việc mong muốn nhưng cũng không nhất thiết là điều kiện đủ để trúng tuyển vào vị trí đó. Một người có năng khiếu và ham học hỏi đều có đủ tố chất phù hợp cho một vị trí tuyển dụng mà không cần đến một sự đào tạo chính quy trong lĩnh vực đó. Và lý tưởng nhất, ngành nghề mà bạn chọn nên là điểm giao thoa giữa tính cách và hồ sơ năng lực bản thân.
Mọi người thường có câu “Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”, nên ngay bây giờ bạn phải xác định rõ giá trị riêng của bản thân, những điểm mạnh, điểm yếu trước khi dấng thân vào ngành nghề mà mình lựa chọn để có thể trãi nghiệm, cống hiến và hơn hết là không bao giờ cảm thấy sai lầm sau những quyết định đã đưa ra.
Xin lời khuyên, nhưng không phụ thuộc hoàn toàn vào nó
Những người gần gũi nhất với bạn thường sẽ rất quan tâm những thành công mà bạn được và sẵn sàng dành thời gian để chia sẻ tâm sự, đứ đến những lời khuyên chân thành khi bạn phân vân trước những bước ngoặc lớn của cuộc đời.
Những gợi ý từ bạn bè, gia đình sẽ luôn hữu ích bởi họ là những người đã gắn bó với bạn rất nhiều nên có thể hiểu khá rõ về tính cách, năng khiếu và sở thích của bạn. Hơn thế nữa, là những con người từng trãi, từng vấp ngã trước cuộc đời để đứng lên tạo dựng thành công nên họ sẽ có những lời khuyên bổ ích mà bạn cần lắng nghe và thấu hiều.
Tuy nhiên, bạn sinh ra là để sống cho chính mình, không ai có thể sống thay bạn, chịu trách nhiệm thay bạn, quyết định thay bạn đến hết cuộc đời nên chỉ có bạn mới có thể kiểm soát và cũng như tự mình khám phá câu trả lời thích hợp nhất cho tương lai.”
Do đó, hãy lắng nghe những lời khuyên và cùng xem xét, phân tích dựa vào các đặc điểm cá nhân rồi trên cơ sở đó tiến hành ra quyết định.
Cân nhắc những rủi ro trong tương lai
Để có một đầu tư đúng, hiệu quả thì chuyên gia kinh tế phải luôn biết dự đoán trước tình hình phân tích những rủi ro có thể xảy ra và lựa chọn ngành học cũng nên làm điều tương tự.
Không ai muốn phải thay đổi công việc hiện tại bởi điều đó có thể chứng tỏ bạn đã đi sai đường và phải bắt đầu lại từ đầu. Để tránh những rủi ro xấu nhất có thể xảy ra thì ngay bây giờ hãy tìm kiếm các nguồn thông tin từ sách báo, ý kiến từ những người đã và đang làm việc trong ngành bạn dự định sẽ chọn để có cái nhìn tổng quan nhất. Thử đặt mình trong tương lai gần hay xa hơn chừng 10 – 20 năm nữa, vẽ lên viễn cảnh những gì sẽ xảy ra, tiếp diễn trong ngành nghề mà bạn chọn sau khi ra trường. Nếu bạn cảm thấy lo lắng, buồn chán mỗi khi đi làm, căng thẳng trước sức ép, đấu tranh tư tưởng trước những phân vân, dễ dàng chuyển đổi công việc mới trước biến động thì đây là dấu hiệu nói rằng bạn đã có một quyết định không đúng.
Một người kết thúc nghề nghiệp của mình mà bản thân cho là lựa chọn sai lầm vì nhiều lý do. Họ có thể chọn một công việc chỉ để làm hài lòng một người bạn hoặc các thành viên gia đình, để đạt được mức lương, cuộc sống ổn định, hoặc chỉ đơn giản là vì nó có vẻ như đang là một ngành trào lưu tại thời điểm đó.
Để có thể đi đến cùng luôn cần có một ý chí bền bỉ và niềm tin trên con đường đã chọn.
Mở rộng và dự phòng cho mình tất cả khả năng có thể xảy ra
Dù bạn đang ở bất cứ chặn đường nào trong sự nghiệp hay cuộc sống thì điều quan trọng cần nhớ khi lựa chọn một công việc đó tiềm năng của nó sẽ mang lại trong tương lai.
“Hãy tin vào bản năng của riêng bạn, và tránh bị ảnh hưởng bởi những người phản đối,” Joellyn Wittenstein Schwerdlin, chủ sở hữu của The Career Success Coach cho biết. ” Thử và sai trong việc lựa chọn một con đường trong sự nghiệp luôn là một phần của quá trình đi đến thành công.” Không bao giờ là quá muộn để đạt được mục tiêu nghề nghiệp của bạn. Thậm chí nếu bạn đã đi sai đường, bạn vẫn có thể mở rộng cho mình một khả năng như là lối thoát. Chuyển sang một ngành mới chẳng hạn khi lựa chọn một ngành nghề cũng chính là mở rộng khả năng và phướng án dự phòng khi có biến cố bất ngờ xảy ra.
Do đó, hãy tiến hành lựa chọn những ngành nghề nào mà bản thân có thể phát huy hết khả năng, niềm đam mê cũng như dự phòng phương án B, C khi muốn kiếm đường lùi.
Vậy bạn đã sẵn sàng để đăng ký ngành học chưa?
Theo Phương Võ / Trí Thức Trẻ