Tuyển sinh đại học 2019 bằng kết quả học tập THPT: Dễ nảy sinh tình trạng “làm đẹp” học bạ

 Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố phương thức tuyển sinh năm 2019. Năm nay, nhiều trường mở rộng phương án tuyển sinh khi sử dụng thêm phương thức xét tuyển kết quả học tập THPT của học sinh.

Đỗ đại học bằng… học bạ

Trong năm 2019, thí sinh cả nước có thể xét tuyển vào đại học bằng nhiều cách khác nhau. Bên cạnh hình thức xét tuyển từ điểm thi của kỳ thi THPT Quốc gia, xét tuyển học bạ đang được nhiều trường có xu hướng sử dụng bởi có nhiều ưu điểm như: Cách thức đơn giản, thủ tục linh hoạt, nhiều ưu tiên trong xét tuyển… Theo đó, hình thức xét tuyển học bạ vào đại học được khá nhiều thí sinh, phụ huynh quan tâm bởi không bị phụ thuộc nhiều vào điểm thi quốc gia cũng như căng thẳng, mệt mỏi trong việc đăng ký xét tuyển và chờ kết quả.

Kỳ tuyển sinh năm nay, Trường đại học Mỏ – Địa chất áp dụng nhiều phương thức xét tuyển, cho phép thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng một hoặc kết hợp nhiều phương thức xét tuyển. Đối với phương thức xét tuyển theo học bạ nhà trường lấy 540 chỉ tiêu. Điều kiện xét tuyển thí sinh theo học bạ là các thí sinh đạt hạnh kiểm xếp loại Khá trở lên; tốt nghiệp THPT và tổng điểm trung bình các môn học theo khối thi của ba học kỳ THPT: Lớp 11 và học kỳ I lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên.

Đại diện Trường đại học Lâm nghiệp cho biết, năm 2019 nhà trường tuyển sinh trên phạm vi cả nước. đối với phương thức sử dụng kết quả học tập THPT, trường tiến hành theo hai bước. Bước 1, xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào: Thí sinh cần đạt điểm trung bình chung của tổ hợp các môn học dùng để xét tuyển năm lớp 12 từ 5,0 điểm trở lên (theo thang điểm 10). Bước 2, tính điểm trúng tuyển cho các thí sinh đạt sàn xét tuyển. Thí sinh đăng ký xét tuyển theo kết quả học tập bậc THPT nộp hồ sơ từ ngày 15/4.

Trong số các trường có xét tuyển bằng học bạ, còn có các trường nổi tiếng khác như: Đại học Tài nguyên Môi trường TP HCM, Đại học Thủy lợi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam… Theo Đại học Thuỷ lợi, phương thức tuyển sinh đại học hệ chính quy năm nay có phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (học bạ). Theo đó, thí sinh có học lực đạt loại giỏi ba năm lớp 10, 11, 12 và tốt nghiệp THPT năm 2019 sẽ thuộc đối tượng xét tuyển thẳng vào trường. Thí sinh có nguyện vọng vào trường theo phương thức này nộp hồ sơ từ ngày 20/5 – 12/7.

Có làm nảy sinh tệ làm “đẹp” học bạ?

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường đại học được chủ động xây dựng và công bố đề án tuyển sinh bảo đảm nguyên tắc tự chủ; ngoài phương thức sử dụng kết quả Kỳ thi THPT Quốc gia làm cơ sở tuyển sinh, có thể sử dụng các phương thức khác để tuyển sinh. Phương thức xét tuyển dựa trên học bạ đang được nhiều trường đại học áp dụng, đặc biệt là những trường đại học công lập “tốp giữa” trở xuống, trường ngoài công lập. Với phương thức này, nhiều trường đã bớt đi mối lo tuyển đủ chỉ tiêu, bởi chỉ cần thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT là có cơ hội vào đại học với cách xét tuyển đơn giản, ít cạnh tranh so với phương thức xét tuyển điểm thi quốc gia như “lên sàn”.

Chia sẻ về câu chuyện cách xét tốt nghiệp THPT, cũng như xét tuyển vào đại học có sử dụng kết quả học của thí sinh không tránh được tình trạng có trường hợp được nâng điểm, thầy Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, dùng điểm trung bình năm lớp 12 để làm căn cứ xét điểm tốt nghiệp THPT cho học sinh cũng chưa thực sự khách quan và công bằng, mà chỉ nên làm điểm cộng chẳng hạn để học sinh đủ điều kiện thi và xét tốt nghiệp.

Cũng theo thầy Bình: “Dùng kết quả học phổ thông để xét tuyển cũng không loại trừ khả năng học sinh được nâng đỡ. Trong quá trình dạy và học ở trên lớp cũng không loại trừ khả năng phát sinh những tình cảm riêng, các giáo viên cũng vì tình cảm mà cho điểm số của học sinh có lợi hơn. Để tránh được gian lận trong học tập và sửa chữa học bạ, không nên dùng kết quả của học phổ thông, mà coi đó là điểm cộng, ưu tiên”.

Chia sẻ mối lo chất lượng “đầu vào” của các trường khi xét tuyển chỉ dựa trên học bạ, lãnh đạo một trường đại học tại Hà Nội cho rằng: “Khi xây dựng phương án tuyển sinh, các trường đã xác định ngưỡng tiêu chuẩn của thí sinh phù hợp với mục điêu của ngành đào tạo trong trường. Do đó, nếu thí sinh gian lận từ kết quả thi hay điểm học bạ phản ánh không đúng năng lực sẽ khó có thể theo học được, bởi có những chuyên ngành có những đòi hỏi riêng. Trên thực tế, nhiều thí sinh cũng phải dở dang việc học, bị đuổi học vì không thi qua các môn học từ việc không theo được chương trình”.

Nguồn: giadinh.net.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *