Tự chọn môn học và định hướng nghề nghiệp sớm ở bậc THPT

Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tác động mạnh nhất đến học sinh Trung học phổ thông. Trong đó, điểm thay đổi lớn của Chương trình là việc cho phép học sinh được tự chọn môn học và phân hóa hướng nghiệp sớm.

Chương trình sẽ bắt đầu triển khai từ năm học 2022-2023 đối với lớp 10; áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo với lớp 11 và 12.

Giảm tải và tự chọn môn học

So với chương trình hiện hành, số môn học và số tiết học ở bậc Trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông mới đều được giảm tải. Trong đó, các lớp Trung học phổ thông đều có 12 môn học; ở chương trình hiện hành, lớp 10 và 11 có 16 môn học, lớp 12 có 17 môn học. Về số tiết học, học sinh khối Trung học phổ thông sẽ học 2.284 giờ trong Chương trình mới. Theo chương trình hiện hành, học sinh Ban cơ bản học 2.546 giờ; Ban A, C học 2.599 giờ.

Nội dung giáo dục cấp Trung học phổ thông gồm các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn. Trong đó, 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Năm môn học lựa chọn từ ba nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn học): Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống, thành viên Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết: Việc học phân hóa và cho học sinh được lựa chọn môn học nhằm đáp ứng yêu cầu phân công lao động trong xã hội và phân luồng học sinh. Do yêu cầu phát triển khoa học và đòi hỏi của thị trường lao động, các trường bậc Trung học phổ thông cần dạy học phân hóa để cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường lao động, nguồn học sinh cho giáo dục đại học, cao đẳng cũng như các trường nghề, đáp ứng được yêu cầu đào tạo chuyên sâu về một lĩnh vực khoa học hoặc ngành nghề chuyên biệt.

Ngoài ra, chương trình Trung học phổ thông của hầu hết các môn học còn có hệ thống các chuyên đề học tập nhằm phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hướng nghiệp.

Yêu cầu dạy học phân hóa ở Trung học phổ thông được thể hiện ở nhiều bình diện: phân hóa bằng cách cho học sinh tự chọn các học phần và các chủ đề trong một số môn/hoạt động; phân hóa bằng việc cho tự chọn các môn học trong 3 nhóm môn; phân hóa bằng hệ thống chuyên đề chuyên sâu ở các môn; phân hóa bằng nội dung địa phương, các môn tiếng dân tộc và ngoại ngữ.

Định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Mục tiêu của chương trình giáo dục Trung học phổ thông là giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động, có khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.

Vì vậy, chương trình đã xây dựng để học sinh chọn 5 môn học từ ba nhóm môn học, mỗi nhóm chọn ít nhất một môn học cùng với việc chọn ba cụm chuyên đề học tập của ba môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ: Lần đầu tiên chương trình mới chỉ quy định thời lượng dạy học mỗi môn học trong năm, không quy định thời lượng đến từng tuần, để các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học. Đối với cấp Trung học phổ thông là cấp học có nhiều môn học lựa chọn, chương trình quy định: Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập để đáp ứng nhu cầu của người học, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường.

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn cụ thể về vấn đề tổ chức cho học sinh lựa chọn môn học, không để xảy ra tình trạng một số môn không có học sinh hoặc có môn quá đông học sinh, vượt khả năng đáp ứng của nhà trường.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông cũng cho biết: Để đáp ứng mục tiêu về phân luồng, hướng nghiệp ở cấp Trung học phổ thông, chương trình mới đã đưa hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trở thành một hoạt động bắt buộc. Hoạt động này giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở.

Kết thúc giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, học sinh có khả năng thích ứng với các điều kiện sống, học tập và làm việc khác nhau; thích ứng với những thay đổi của xã hội hiện đại; có khả năng tổ chức cuộc sống, công việc và quản lí bản thân; có khả năng phát triển hứng thú nghề nghiệp và ra quyết định lựa chọn được nghề nghiệp tương lai. Đồng thời, giúp học sinh xây dựng được kế hoạch rèn luyện đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp và trở thành công dân có ích.

Nguồn: baotintuc.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *