M
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp tràn lan phải chăng xuất phát từ chính cấp THPT, nơi hoạt động hướng nghiệp còn bị xem nhẹ?
191.000 cử nhân thất nghiệp – đó là con số được đưa ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ vào ngày 16/11/2016.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp tràn lan này phải chăng xuất phát từ chính cấp THPT, nơi hoạt động hướng nghiệp còn bị xem nhẹ?
So với con số 225.500 cử nhân thất nghiệp của năm 2015, số liệu thống kê của năm 2016 có giảm, nhưng vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung.
Ước tính nước ta hiện nay có khoảng 2,4 triệu sinh viên, tức là trung bình mỗi năm có tới gần 20% cử nhân không có việc làm.
Đó là chưa kể đến số lượng sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành trái nghề – số lượng này ắt hẳn còn nhiều hơn nữa.
Thực trạng thất nghiệp tràn lan của tân cử nhân khiến xã hội phải giật mình lo ngại cho chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.
Sinh viên vốn được xem là đối tượng có trình độ học vấn cao, nhưng những năm gần đây đang chứng minh một thực tế khác. Rất nhiều sinh viên ra trường yếu kém về cả kỹ năng mềm lẫn tay nghề.
Chất lượng đào tạo bậc Đại học là một vấn đề đáng lưu tâm, nhưng quan trọng hơn, người ta bắt đầu đặt dấu hỏi cho công tác hướng nghiệp ở cấp phổ thông.
Phải chăng vì không được hướng nghiệp một cách bài bản, các em đã lựa chọn “bừa” một ngành để rồi chán nản, chểnh mảng với việc học khi nhận ra đây không phải là thế mạnh, sở thích của mình?
Hoang mang trước những lựa chọn…
Chỉ thị số 33/2003/CT-BGDĐT đã nêu rõ hướng nghiệp là một công tác quan trọng trong giáo dục bậc THPT.
Đến nay đã hơn 10 năm trôi qua, nhưng chất lượng của hoạt động hướng nghiệp vẫn không có mấy cải thiện.
Đa phần học sinh THPT khi được hỏi đều phản ánh rằng mặc dù trên thời khóa biểu có tiết hướng nghiệp.
Nhưng thực tế, những tiết học này đều phải nhường chỗ cho các môn được đánh giá là “quan trọng hơn”, hoặc trở thành tiết tự quản, tiết sinh hoạt.
Tình trạng này càng trở nên phổ biến với học sinh cuối cấp.
Hầu hết các em cũng không dám chia sẻ với thầy cô về những văn khoăn của mình trong lựa chọn ngành nghề, vì “không có thời gian” hay “ngại, không biết hỏi thế nào do chưa được tham gia một buổi hướng nghiệp đúng nghĩa.”
Chương trình học chính khóa nặng nề khiến các em chỉ biết vùi đầu vào sách vở và những bài kiểm tra, thiếu hụt rất nhiều những kiến thức xã hội, đặc biệt là các kiến thức về ngành, nghề.
Việc hoạt động hướng nghiệp không được tổ chức hoặc tổ chức theo kiểu chiếu lệ lại càng đặt thêm áp lực lên vai các em. Các em buộc phải tự mình vùng vẫy trước muôn vàn lựa chọn cánh cửa Đại học, Cao đẳng.
Em Minh Hằng (học sinh lớp 12, trường THPT Kim Liên, Hà Nội) chia sẻ: “Em dự định sẽ nộp hồ sơ vào Đại học Kinh tế Quốc dân, do có nhiều bạn bè của em nộp hồ sơ vào trường này.
Bố mẹ em cũng khuyên con gái học Kinh tế sẽ nhàn. Còn bản thân em thì chưa tìm hiểu về trường nhiều lắm vì chưa có thời gian.”
Trường hợp của Minh Hằng không phải là cá biệt. Nhiều em cũng lựa chọn giải pháp nghe theo ý kiến của bố mẹ hoặc chọn theo bạn bè.
Em Minh Hằng chia sẻ về lựa chọn trường Đại học của mình
Để rồi sau một thời gian học tập, nhận ra mình không phù hợp, nhưng với tâm lý “sự đã rồi”, đa phần các em đành nhắm mắt đưa chân đi qua quãng thời gian Đại học.
Những giờ lên lớp chẳng khác gì cực hình khi các sinh viên này không tiếp thu được mấy phần kiến thức. Và kết quả, xã hội lại đón nhận một nguồn nhân lực với chất lượng thấp.
Phải làm gì để thay đổi?
Việc nhà trường chưa đóng vai trò tích cực vốn dĩ phải có của mình trong công tác định hướng nghề nghiệp tương lai cho học sinh là một thực tế đáng buồn.
Bởi lẽ, nhà trường là nơi các em dành phần lớn thời gian để học tập và hoạt động, các thầy cô giáo cũng là những người theo sát các em và hiểu rõ năng lực, sở trường của các em nhất.
Cô Đàm Hải Yến (giáo viên trường THPT Kim Liên, Hà Nội) chia sẻ: “Đa phần các em hiện nay đang làm ngược, tức là chọn trường trước, rồi mới định hướng ngành nghề.”
Cô nhận định, việc các trường THPT chưa chú trọng nhiều đến công tác hướng nghiệp là một thiếu sót rất lớn.
Cô Đàm Hải Yến chia sẻ về những đổi mới trong công tác hướng nghiệp tại nhà trường THPT.
Cô cũng chia sẻ thêm, các nhà trường đã nhận ra nguy cơ của việc chưa coi trọng công tác hướng nghiệp, và đang nỗ lực để cải thiện công tác này.
Đơn cử trường THPT Kim Liên đã liên kết với một số trường Đại học như Đại học FPT, RMIT để tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi về định hướng tương lai.
Mối quan hệ giữa thầy và trò cũng trở nên cởi mở hơn.
Những kinh nghiệm được giáo viên chia sẻ không chỉ còn gói gọn trong những bài học, mà còn mở rộng ra các kinh nghiệm thực tế, nghề nghiệp, cuộc sống.
Các tiết hướng nghiệp đã được trả về đúng vị trí của nó, khi các em học sinh được nêu ra những băn khoăn của mình để cùng thầy cô tìm lời giải đáp.
Thực trạng cử nhân thất nghiệp như một lời cảnh báo: đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận và giải quyết vấn đề từ những nguyên nhân gốc rễ.
Để đổi mới, mang lại hiệu quả cho công tác hướng nghiệp trong nhà trường THPT không phải là một việc đơn giản, bởi vì nó chịu tác động từ rất nhiều yếu tố: chương trình học, tâm lý của giáo viên – học sinh,…
Tuy nhiên không thể thấy khó mà lui. Để một thế hệ không còn phải mò mẫm trên con đường tương lai của mình, hơn lúc nào hết hoạt động hướng nghiệp tại cấp phổ thông cần có một sự thay đổi toàn diện, mạnh mẽ.
Và đó không chỉ là trách nhiệm của riêng giáo viên, nhà trường, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.
Nguồn: giaoduc.net.vn