Sắp công bố chương trình giáo dục phổ thông mới

Lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đã cơ bản hoàn tất, hiện đang đợi phê duyệt và sẽ chính thức họp báo công bố trong tháng 12 này.

Tăng kiến thức thực hành

Sau nhiều lần trì hoãn thời gian công bố, mới đây Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết trong tháng 12 này, Bộ GDĐT sẽ có cuộc họp báo thông báo chương trình GDPT mới và sẽ thông tin chi tiết về chương trình. Hiện đến thời điểm này đã xong các khâu để xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan và báo cáo Quốc hội. Đồng thời, Bộ GDĐT cũng đã ban hành Đề án về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên.

Trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên của chương trình GDPT mới, ông cho biết, hiện Bộ GDĐT đang xin ý kiến của Chính phủ cũng như các cơ quan liên quan. “Theo tôi được biết, Bộ GDĐT còn chờ ý kiến đồng thuận của 2 cơ quan nữa. Họ đã đưa ra một số câu hỏi và chúng tôi cũng đã có trả lời” – GS Thuyết cho hay.

GS Thuyết cũng tin tưởng chương trình về cơ bản đã thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 cũng trong quá trình soạn thảo chương trình cũng đã bám sát theo các quy định.

Trả lời về quá trình thực nghiệm chương trình mới, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, đã được tổ chức trong một tháng tại 6 tỉnh, thành phố thuộc 6 vùng kinh tế xã hội của cả nước, bao gồm Lào Cai, Hà Nội, Bình Định, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Cần Thơ. Tại mỗi địa phương này, có 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và 3 trường THPT đại diện cho các vùng thuận lợi và khó khăn.

Về kết quả dạy thực nghiệm, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, các giáo viên và cán bộ quản lí các trường tham gia thực nghiệm đều đánh giá cao ưu điểm và triển vọng của chương trình GDPT mới, chương trình các môn học đã xác định đúng các phẩm chất và năng lực mà môn học hình thành, phát triển cho học sinh. Phần lớn các bài học thực nghiệm đã xác định đúng những yêu cầu cần đạt ở mỗi bài học; chú trọng tổ chức các hoạt động học tập, tương tác của học sinh…

Nhìn chung, kết quả thực nghiệm cho thấy, chương trình GDPT mới đã giảm lý thuyết hàn lâm, tăng kiến thức thực hành, nhất là hướng đến giải quyết các vấn đề của học sinh.

Tuy nhiên, cũng nhìn nhận một số yêu cầu cần đạt còn cao so với trình độ của học sinh; nội dung một số bài thực nghiệm tương đối khó; một số bài vẫn còn nặng về trang bị kiến thức; dung lượng của một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học… Từ nhận xét của các nhà trường, ban soạn thảo đã tiếp thu và có những chỉnh sửa phù hợp, đảm bảo thuận lợi trong việc tổ chức triển khai dạy học đại trà.

Giáo viên phải chuyển động

Về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất để bảo đảm thực hiện chương trình trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng cho biết thời điểm này cũng đã hoàn tất.

Vấn đề hiện nay là việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ra sao để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bởi trong quá trình thực nghiệm chương trình GDPT mới, GS Nguyễn Minh Thuyết nhận thấy bên cạnh những giáo viên đã vận dụng tốt phương pháp tổ chức hoạt động, trao quyền chủ động cho học sinh, tạo tâm thế hào hứng và các hoạt động học tập hiệu quả ở học sinh; đã mạnh dạn thay đổi ví dụ được gợi ý trong tài liệu thực nghiệm cho phù hợp với điều kiện địa phương thì vẫn còn một số giáo viên chưa thay đổi.

Cụ thể, thói quen truyền thụ kiến thức đơn thuần, thầy hỏi, trò đáp, thầy giảng trò nghe mà không có trao đổi linh hoạt nên chưa tạo ra được những giờ học hiệu quả, trong đó mỗi học sinh đều được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, rèn luyện kĩ năng và vận dụng những điều đã học để phát hiện, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống phù hợp với lứa tuổi.

“Thực tế cho thấy giờ dạy chỉ thành công khi giáo viên nắm vững nội dung chương trình và vận dụng được phương pháp dạy học mới để tổ chức hoạt động học tập của học sinh” – GS Thuyết nhấn mạnh.

Chương trình GDPT mới được cho là sẽ thiết kế theo hướng mở và linh hoạt, đảm bảo không gian sáng tạo cho các nhà viết sách giáo khoa, các giáo viên, các nhà trường và từng địa phương. Điều này khắc phục được hạn chế của chương trình hiện hành – vốn được đánh giá là cứng nhắc, mang nặng tính giáo điều. Điều này đòi hỏi sự chủ động của giáo viên khi việc dạy học không còn phụ thuộc vào sách giáo khoa như hiện nay.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia giáo dục, việc dạy và học lâu nay ở nước ta phần nhiều để phục vụ thi cử. Áp lực thành tích, về tỉ lệ lên lớp, tỉ lệ học sinh khá giỏi, thậm chí là tỉ lệ năm sau phải cao hơn năm trước… như nhiều giáo viên đã và đang phản ánh có thể khiến nhiều giáo viên khó sáng tạo trong việc việc dạy và học. Vì vậy, Bộ GDĐT cũng cần có những giải pháp đổi mới không chỉ ở những khâu lớn như thi cử mà cả trong các hoạt động giáo dục hàng ngày cũng cần hướng đến thực chất thay vì quan tâm nhiều đến thành tích…

Nguồn: https://baomoi.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *