Ngày mai (22/6), khoảng 866.000 thí sinh cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Theo ghi nhận chung, mặc dù sẽ thực hiện nhiệm vụ mới với việc coi thi các bài tổ hợp nhưng mọi khó khăn đã được tháo gỡ hoàn toàn nhờ các đợt tập huấn và tập dượt cùng thí sinh.
Không thể nhầm lẫn nếu tuân thủ đúng hướng dẫn
Từ Thành phố Hồ Chí Minh, Cô Lê Thị Ngọc Anh – Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết: Đối với các giáo viên làm công tác coi thi, nhà trường đã tổ chức tập huấn rất kỹ, đồng thời phổ biến quy chế, nhấn mạnh trọng tâm vào những điểm mới cho toàn thể giáo viên và học sinh lưu tâm hơn.
Qua 5 lần thi thử, với hình thức mô phỏng Kỳ thi THPT Quốc gia, cả cán bộ coi thi và thí sinh của nhà trường không có bất kỳ trường hợp nào mắc sai sót.
Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho kỳ thi của các cán bộ coi thi tại Trường Điểm thi THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng), thầy Nguyễn Minh Quý – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tất cả cán bộ coi thi đều đã sẵn sàng để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Những thao tác có khả năng gây nhầm lẫn, sai sót đều đã được đặt ra tình huống giả định để cả giáo viên và học sinh cùng xử lý.”
Đối với các thí sinh tự do – nhóm đối tượng “lo ngại” nhầm lẫn đề nhiều nhất khi mỗi phòng thi có tới 24 mã đề khác nhau, trong khi ở các phòng thi dành cho thí sinh tự do, sẽ có em làm bài thi môn này nhưng lại không thi môn khác.
Để hạn chế những nhầm lẫn có thể phát sinh trong các buổi thi bài thi tổ hợp, các trường ĐH, CĐ cũng đã tập huấn rất kỹ cho giảng viên, đặc biệt là giảng viên coi thi ở những điểm có thí sinh tự do về những điểm lưu ý đặc biệt, nhằm giảm thiểu tối đa sai sót có thẩ gây ảnh hưởng tới thí sinh.
“Chúng tôi đã dặn dò giám thị, nếu thí sinh nào vắng thì đánh dấu vào để tránh sự nhầm lẫn, đặc biệt là các môn thi tổ hợp rất phức tạp. Khi coi thi môn này, giáo viên cũng phải kiểm tra mã đề thi và nhắc nhở học sinh phải xem kỹ mã đề thi có trùng không. Cũng cần tránh trường hợp lệch phách khi chấm thi” – thầy Nguyễn Minh Quý cho hay.
Cô Lê Thị Ngọc Anh và thầy Nguyễn Minh Quý cùng quan điểm, cho rằng: Chỉ cần thực hiện đúng theo trình tự hướng dẫn của Bộ GD&ĐT là đảm bảo sẽ không mắc sai sót. Quan trọng nhất vẫn là khâu tập huấn, nếu giáo viên đã được tập huấn kỹ sẽ không lo bị lệch phách, lệch đề.
Lưu ý thêm đối với thí sinh
Ban chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia 2017 lưu ý các thí sinh, nếu phát hiện đề thi bị thiếu trang, rách, nhòe, mờ, các môn thành phần (của bài thi tổ hợp) không có cùng mã đề, thí sinh phải báo cáo cho giám thị để xử lý.
Nếu không phát hiện hoặc để quá 10 phút sau khi phát đề mới báo cáo thì thí sinh phải tự chịu trách nhiệm.
Tài liệu hướng dẫn chi tiết đối với các hội đồng thi của Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu giám thị sau khi phát đề cho thí sinh phải yêu cầu thí sinh kiểm tra tình trạng đề thi để báo cáo lại khi phát hiện các trường hợp nêu trên.
Tất cả những trường hợp phát sinh về đề thi, cán bộ coi thi phải báo cáo cho trưởng điểm thi để báo cáo trưởng ban coi thi ngay sau khi phát hiện (qua cán bộ giám sát thi).
Theo báo GDTĐ