Kinh nghiệm chọn trường đại học phù hợp với bạn

Việc lựa chọn trường đại học, cao đẳng để theo học là một quyết định mang đến nhiều áp lực cho bản thân học sinh và gia đình. Rất nhiều bạn rơi vào tình trạng, đứng giữa ngã ba đường, phân vân không biết hướng đi nào là thích hợp nhất cho mình ?

Chọn trường đại học, cao đẳng để tiếp tục con đường học tập sau khi kết thúc phổ thông là mong muốn của hầu hết các bạn học sinh. Vậy nhưng, việc lựa chọn mình nên theo học ngành nào, trường đại học, cao đẳng nào phù hợp với mình lại không hề dễ dàng. Trong bài viết này, chúng tôi hi vọng sẽ cung cấp một số kinh nghiệm chọn trường đơn giản nhưng hiệu quả giúp bạn chọn được ngôi trường phù hợp cho mình.

1. Chọn theo sở thích, đam mê của bản thân

Đã đến lúc, bạn cần gác lại những mơ mộng thời còn nhỏ mà hãy nghiêm túc xem bạn thật sự yêu thích ngành nghề nào, ước mơ về công việc trong tương lai là gì, thích được làm việc trong môi trường nào ? và trên hết là thế mạnh của bản thân bạn. Bạn cũng nên lưu tâm và cân nhắc về những lời góp ý của người thân, bạn bè xung quanh nhưng chỉ coi đó là những ý kiến tham khảo, việc lựa chọn là do bạn quyết định. Sự yêu thích quyết định 80% khả năng thành công của bạn với công việc. Chọn trường cũng chính là chọn công việc sau này mà bạn sẽ gắn bó, hãy lấy đó làm động lực để chinh phục kì thi thật tốt.

2. Chọn ngành trước khi chọn trường

Nhiều sinh viên than vãn khi học không đúng nghành nghề, bỏ dở giữa chừng hay học tập không hiệu quả là những hệ lụy do thiếu kiến thức về việc chọn chương trình đào tạo. Nhiều bạn vì cái “danh” trường top trên mà chấp nhận học ngành trái với sở thích của mình. Theo chương trình đào tạo của nhiều trường hiện nay thì có hàng chục ngành học khác nhau. Khuyên bạn nên chọn ngành học mà mình yêu thích sau đó liệt kê ra những trường có đào tạo ngành học này sắp xếp theo thứ tự phù hợp với bạn nhất.

3. Chọn ngành chọn trường theo sức học của bản thân

Bên cạnh việc xác định sở thích nghề nghiệp, các bạn nên cân nhắc đến sức học của mình khi chọn ngành, chọn trường. Người ta thường nói: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”, cho nên điều quan trọng là bạn phải biết được sức học thật của mình, nếu bạn tự xét mình không phải loạl “siêu” thì đừng thi vào những trường “đỉnh” như Ngoại thương bay Ngoại giao hoặc khoa Văn, Toán, Lý, Hoá của ÐHSP,…

4. Bạn nên tìm hiểu trước về chương trình đào tạo ngành học

Có thể nói rằng nhiều bạn học sinh vẫn chẳng mảy may để ý đến cái gọi là “học gì ” ở ngôi trường đại học, miễn sao được vào trường là thỏa mãn. Sai lầm đấy nhé, bạn phải biết mình sẽ được học những gì để phục vụ cho ngành học và công việc sau này. Những thông tin đó gồm bao nhiêu môn học, các môn ấy là những môn gì, thời gian kiến tập, thực tập bao lâu…vv mỗi trường sẽ có những cách đào tạo có đôi chút khác nhau nên việc biết trước mình sẽ được học gì cũng là cách để bạn tham khảo trong khi chọn trường theo học.

5. Xem thị trường lao động tương lai

Đây là nhân tố cũng không kém phần quan trọng, vì hầu hết chúng ta học để tìm việc làm, hãy tìm hiểu xem, trong vòng 3,4 năm tới, khi chúng ta tốt nghiệp, ngành nghề nào đang là xu hướng.

Đọc kỹ những yêu cầu tuyển dụng của các công ty, có lẽ bạn cũng nhận ra không phải công ty nào cũng cần bằng cấp cao, thứ họ cần là khả năng thật sự, là thể hiện của bạn trong vai trò đó, vì vậy mà như đã nói, đừng xem đại học là đích đến duy nhất. Trên hết, nếu bạn thật sự đam mê và làm tốt công việc của mình, tin chắc rằng tự bạn sẽ thu hút được các nhà tuyển dụng thôi.

6. Học phí

Điều rất đáng quan tâm trong quá trình chọn trường là học phí. Theo quy chế hiện nay thì học phí được tính theo tín chỉ quy định, mỗi trường sẽ có những quy định khác nhau về học phí, tùy thuộc vào trường, vào ngành và quy định học phí tín chỉ của trường. Bạn nên tham khảo mức học phí trung bình thông qua phòng Tài chính – Kế toán của trường. Đa số mức học phí đều được công bố trên website của trường, bạn có thể tìm hiểu để nắm rõ hơn.

Các trường ĐH trải dài trên khắp cả nước với ngành học phong phú thuận lợi cho học sinh có thể lựa chọn. Tuy nhiên một câu hỏi đặt ra khi mà các trường ĐH lớn chủ yếu tập trung ở Hà nội và TP. Hồ Chí Minh. Vậy có nên “khăn gói” vào thành phố học hay chọn những ngôi trường “gần nhà” để thuận tiện hơn. Vậy xa nhà có lợi ích gì không? Bạn nên đặt mục tiêu chọn trường đào tạo uy tín, đáp ứng tốt chất lượng giảng dạy, việc học xa nhà cũng giúp bạn tự lập và trưởng thành hơn. Cuộc sống sinh viên tuy khó khăn nhưng cũng thú vị lắm, hãy cứ thử làm sinh viên xa nhà một lần bạn nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *