Không ít sinh viên sau một thời gian học mới nhận ra không phù hợp và muốn chuyển ngành. Tuy nhiên, quy chế hiện nay chưa linh động cho phép sinh viên thực hiện việc này.
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết hàng năm có dăm ba chục sinh viên đề nghị xin chuyển ngành. Tuy nhiên, đó mới là bề nổi bởi con số hàng trăm sinh viên nghỉ học, bị buộc thôi học mỗi năm cũng có nguyên nhân từ việc chọn nghề không phù hợp.
Trượt dài vì chọn sai ngành
Cuối năm 2018, các trường ĐH ở TP.HCM công bố danh sách hàng trăm sinh viên bị buộc thôi học do có kết quả học tập kém. Đây là những sinh viên có điểm trung bình chung tích lũy quá thấp, không đủ điều kiện tiếp tục theo học.
Tại ĐH Luật TP.HCM, trong danh sách 169 sinh viên các lớp chính quy văn bằng 1 và 2 dự kiến bị cảnh báo học vụ, đình chỉ một năm hoặc buộc thôi học, 71 sinh viên có thể bị buộc thôi học vì kết quả học tập yếu kém.
Tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, số sinh viên bị buộc thôi học gần 450. ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng mới cảnh báo học vụ với gần 400 sinh viên có điểm tích lũy trong suốt 2 học kỳ thấp. ĐH Nông Lâm TP.HCM có gần 130 sinh viên bị buộc thôi học…
Trong số sinh viên nghỉ học hay bị buộc thôi học, có người đã vượt quá thời gian đào tạo (8 năm), có người học với tâm lý “đã vào ĐH kiểu gì cũng sẽ tốt nghiệp” rồi “trượt dài”, không gượng dậy được. Cũng có nhiều người chán nản việc học do chọn ngành không phù hợp.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng sinh viên chọn đúng ngành là hạnh phúc. Tuy nhiên, khá nhiều bạn đã không chọn đúng ngành phù hợp do công tác định hướng, giáo dục nghề nghiệp ở bậc phổ thông nhìn chung chưa tốt.
Mặt khác, những quy định về tuyển sinh trong 2 năm 2015 và 2016 khiến thí sinh chạy đua để trúng tuyển hơn là để đỗ vào ngành phù hợp bản thân.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng nhiều bậc cha mẹ vẫn định hướng cho con vào nghề mình thích mà không cần biết nó có phù hợp không. Vào học một thời gian, sinh viên nhận ra mình không phù hợp nên chán nản, việc học vì thế sa sút.
Dễ phá vỡ cơ cấu nhân lực
Tại hội thảo khoa học liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp do ĐH Kinh tế TP.HCM cùng Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức mới đây, PGS.TS Cao Hào Thi, Hiệu trưởng ĐH Công nghệ Sài Gòn, đề nghị các trường cần linh hoạt cho sinh viên chuyển đổi ngành.
Theo ông Thi, học sinh khi làm hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học, đều xuất phát từ sở thích chứ chưa biết mình có phù hợp ngành nghề đó hay không. Do vậy, không ít sinh viên, sau một thời gian học, mới nhận ra mình không phù hợp ngành đang học và muốn chuyển.
Tuy nhiên, không phải lúc nào sinh viên muốn là được vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố. TS Trần Đình Lý cho biết để được chuyển ngành, sinh viên cần đáp ứng các quy định do từng trường cụ thể đặt ra, như ngành chuyển đến còn chỉ tiêu, điểm trúng tuyển đầu vào không thấp hơn điểm chuẩn của ngành, phù hợp sở thích nghề nghiệp…
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương cho rằng dù biết nhu cầu chuyển ngành của sinh viên rất chính đáng, nếu cho chuyển, có thể dẫn đến ngành có cả nghìn sinh viên học, khiến trường không có đủ năng lực để tổ chức. Ngoài ra, nó có thể phá vỡ cơ cấu nhân lực. Có ngành lúc nào “hot” nhưng 5-6 năm sau lại không còn hấp dẫn.
Ông Đương cũng cho biết ở ĐH Kinh tế TP.HCM trước đây quy định một mức điểm đầu vào cho thí sinh. Sinh viên, sau khi học 1,5 năm, sẽ cho chọn ngành tùy thuộc kết quả học tập. Tuy nhiên, sau thời gian này, nhiều sinh viên không được chọn ngành mình thích nên nghỉ học, chuyển trường.
Nguồn:newzings.vn