‘Doanh nghiệp giáo dục trực tuyến có cơ hội phát triển tốt’

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, với 40% dân số kết nối Internet, chủ yếu là giới trẻ, nhu cầu học cao, thị trường giáo dục đào tạo trực tuyến đang rất tiềm năng.

– Là một trong những nhà sáng lập của công ty công nghệ lớn, nay lại làm giáo dục với phương thức đào tạo trực tuyến, ông đánh giá thế nào về quá trình chuyển đổi số trong giáo dục của Việt Nam giai đoạn hiện nay?

– Trước hết, tôi cho rằng về mặt nhận thức trong chuyển đổi số giáo dục, Việt Nam đi tương đối nhanh, cùng sự phát triển của thế giới. Internet bắt đầu vào Việt Nam từ năm 1997 và cuối những năm 1999 khi thế giới có những công bố về E – learning, Việt Nam cũng bắt đầu đề cập đến khái niệm này.

Đến năm 2008, “Cyber University” (trường đại học ảo) lần đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam, trùng với thời điểm này, trên thế giới bắt đầu đưa ra khái niệm MOOCs (Massive Open Online Courses). Tuy đi nhanh, song Việt Nam chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm và chưa có nhiều dự án được đưa ra đại trà, chưa có đột phá để thay đổi thói quen của người dùng.

Về mặt lý luận trong chuyển đổi số giáo dục, theo tôi, chúng ta cũng không chậm so với thế giới và bắt buộc cần phải có thêm nhiều bước đi quyết liệt và mạnh hơn.

 Có nhiều năm nghiên cứu về các mô hình giáo dục trực tuyến trên thế giới, ông nhận xét gì về giáo dục trực tuyến Việt Nam so các nước trên thế giới?

– Ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có sức ép lớn về dân số, kinh tế như Ấn Độ, Philippines, Mexico… đưa ra những quan niệm rất hay về giáo dục trực tuyến. Họ coi E-learning như cơ hội để đuổi kịp và san bằng khoảng cách với các nước phát triển. Đây là một điểm mà tôi nghĩ Việt Nam nên tiếp thu và học tập.

Theo đó, chúng ta cần xem xét và đặt giáo dục trực tuyến lên vị trí ưu tiên hàng đầu, đây là cơ hội để đột phá và san bằng khoảng cách giáo dục Việt Nam với các nước trên thế giới. Giống như câu nói của Giáo sư Richard Muller khi đánh giá về Cyber University (Trường đại học ảo): “Chất lượng Mỹ, giá của các nước thế giới thứ ba, đây là cơ hội mà Internet đã mang lại”.

– Các doanh nghiệp giáo dục trực tuyến tại Việt Nam có cơ hội thế nào?

– Những năm gần đây, Việt Nam chứng kiến nhiều thành công của các doanh nghiệp giáo dục trực tuyến. Theo đó, Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn có tới 3,5 triệu thành viên tham gia, gần đây là Topica với việc kêu gọi được quỹ đầu tư 50 triệu USD… Điều đó chứng tỏ người dân Việt Nam thích ứng nhanh và sẵn sàng tham gia học tập trực tuyến, hình thành một tệp người dùng có tính chủ động, liên tiếp ứng dụng công nghệ giáo dục ở các cấp học cao hơn. Song chúng ta vẫn thiếu rất nhiều doanh nghiệp giáo dục trực tuyến thành công như vậy để có thể “gây sức ép”, làm thay đổi những cơ chế cũ trong quản lý hành chính Nhà nước.

– Theo ông, Việt Nam cần những cú hích như thế nào để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục?

– Tôi cho rằng Nhà nước nên cởi mở hơn trong các chính sách giáo dục. Giáo dục đại học trước đây có những yêu cầu bắt buộc là phải có giáo viên cơ hữu, trường phải có 10 ha đất… Hiện nay, điều này đúng một phần, nhưng chúng ta nên nới lỏng một số yêu cầu. Nếu trường không có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thì cần chứng minh có phương pháp giảng dạy như học tập trực tuyến để bù đắp sự thiếu hụt đó. Điều này sẽ giúp tiết kiệm ngân sách. Theo tôi, đây cũng chính là cơ hội và xu hướng phát triển của giáo dục trong tương lai.

Về mặt hạ tầng, Việt Nam đang có sự đầu tư hiện đại cho Internet, đưa về đến tận thôn xóm và gần như biến nó thành trường học từ lớp một đến lớp đại học. Đây là điều mà hiện nay ở một số nước phát triển mới trong quá trình manh nha hình thành. Song chúng ta thiếu đi một hành lang pháp lý để công nhận việc học tập trực tuyến. Nếu trong tương lai, Nhà nước đưa ra một khung chuẩn về việc công nhận này, tôi tin học trực tuyến sẽ còn phát triển mạnh. Bởi bản thân người học luôn sẵn sàng tham gia các hình thức học mới, miễn nó đem lại lợi ích thiết thực.

– Ông có dự báo gì về sự thâm nhập của các công nghệ mới như AI, Blockchain trong giáo dục tại Việt Nam và việc tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này?

– Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ban hành khung chương trình công nghệ thông tin trong chương trình giáo dục phổ thông, trong đó bước đầu đi theo một số hướng mới như chỉ xác định các khung năng lực mà người học cần đạt được chứ không đề cập đến cách thức thực hiện và để mở. Theo tôi điều này tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp giáo dục trực tuyến như Hocmai, FUNiX… trong việc can thiệp và đưa các phương pháp học tập mới vào sâu hơn trong chương trình giáo dục phổ thông.

Điều này cũng hứa hẹn mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa các doanh nghiệp giáo dục trực tuyến để xây dựng và hiện thực hóa chương trình giáo dục chính thức như đào tạo trực tuyến liên cấp từ phổ thông lên đại học.

Nguồn: vnexpress.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.