Bí quyết có một buổi học nhóm hiệu quả

Việc học tập theo nhóm đối với sinh viên là một trong các phương pháp học tập hiệu quả để qua đó rèn cho sinh viên khả năng hợp tác, chia sẻ tình cảm, bồi dưỡng, phát triển tư duy, nâng cao trình độ tri thức. Tuy nhiên để buổi học nhóm đạt được hiệu quả cao nhất, tránh xảy ra những bất đồng thì bạn cần phải có phương pháp.

Dưới đây là những nguyên tắc giúp bạn có một buổi học nhóm vô cùng hiệu quả vừa vui vừa tập trung giải quyết bài tập một cách suôn sẻ.
1. Chọn đúng nhóm

Việc có “ăn rơ” với nhau hay không tuỳ thuộc rất nhiều vào việc bạn chọn nhóm nào để học cùng đây. Ngoài tiêu chí thân thiết, thường xuyên nói chuyện với nhau ra, khi học nhóm, bạn nên chọn học cùng những người có thể bổ trợ được điểm yếu, thiếu sót, sở đoản của bản thân. Có như vậy bạn mới có thể đặt câu hỏi và nhờ họ hướng dẫn để giải quyết những vấn đề, kiến thức còn khúc mắc. Tốt nhất, mỗi người trong nhóm nên có thế mạnh ở một lĩnh vực để bổ trợ lẫn nhau. Và nhóm không nên quá đông.

2. Đi học nhóm đúng giờ

Hãy bỏ ngay khái niệm “cao su” ra khỏi từ điển. Việc tới muộn sẽ khiến bạn mất thời gian để ổn định hoặc theo kịp các bạn trong nhóm. Một người đến muộn sẽ khiến cả nhóm bị muộn, buổi học dĩ nhiên sẽ mất đi hiệu quả.

3. Mục đích của buổi học nhóm là gì?

Hãy có mục đích thật rõ ràng để cả nhóm cùng tập trung giải quyết. Cá nhân bạn cũng phải đặt ra mục tiêu sẽ phải làm được những gì trong buổi học ngày hôm nay, và nhất định phải hoàn thành nó.

4. Chuẩn bị kỹ phần của mình ở nhà

Nếu cả nhóm cùng thảo luận để làm chung một bài tập lớn, hãy chắc chắn mình chuẩn bị phần của mình từ trước để tránh mất thời gian. Hoặc nếu là một buổi hẹn nhau cùng làm bài tập thông thường và bạn muốn nhờ những người khác trong nhóm hỗ trợ, hãy liệt kê ra tất cả những vấn đề mình cần giúp để đạt được hiệu quả tối đa.

5. Tôn trọng ý kiến các thành viên trong nhóm

Có không ít trường hợp các bạn kéo nhau ra ngoài học nhóm để… cãi nhau và cuối cùng do không ai nhường ai nên buổi học nhóm thất bại, vừa mất thời gian lại sứt mẻ tình bạn. Vậy nên, cho dù các thành viên trong nhóm có đưa ra ý kiến thế nào đi nữa, đúng hay sai, cũng hãy từ từ phân tích, cân nhắc xem có nên sử dụng không dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *