Đề tham khảo thi THPT quốc gia 2019: Những lưu ý quan trọng

GD&TĐ – Các giáo viên nhiều kinh nghiệm đưa ra những bình luận về đề thi tham khảo Kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT. Nhận định chung là nội dung kiến thức đề thi chủ yếu ở chương trình lớp 12, độ khó giảm, nhưng để đạt điểm tốt đòi hỏi khả năng tư duy và kĩ năng làm bài cao.

Dễ hơn không có nghĩa dễ đạt điểm cao

Nhận định về đề thi tham khảo môn Ngữ văn, thầy Nguyễn Văn Khoa – giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) – cho biết: So với đề thi THPT quốc gia năm 2018, cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT năm nay không thay đổi, vẫn gồm hai phần: Đọc hiểu và Làm văn. Phần Đọc hiểu gồm 4 câu hỏi theo các cấp độ; phần Làm văn gồm có hai câu: Nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Tuy nhiên, phạm vi đề thi có sự thay đổi rõ rệt. Phần Đọc hiểu, điểm giống với đề thi năm 2018 là vẫn lấy văn bản là ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, sau đó yêu cầu học sinh thực hiện các yêu cầu xoay quanh việc đọc hiểu văn bản. Điểm khác, theo như đề tham khảo thì không có kiến thức phần tiếng Việt – nghĩa là không còn câu hỏi nhận biết (phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thể thơ, ngôi kể, câu chủ đề…) mà chỉ còn câu hỏi thông hiểu và vận dụng. Điều này buộc học sinh phải đọc kĩ văn bản mới có thể hoàn thành tốt bài thi.

“Phần Đọc hiểu không còn câu hỏi nhận biết nên học sinh phải có kĩ năng đọc hiểu văn bản thực sự mới có thể hoàn thiện được tốt bài làm của mình. Nếu như các năm trước giáo viên có thể dạy học sinh mẹo làm bài kiểu như: Văn bản thơ phương thức biểu đạt sẽ là biểu cảm; văn bản văn xuôi phương thức biểu đạt sẽ là tự sự hoặc nghị luận. Còn theo đề tham khảo năm nay buộc học sinh phải thông hiểu và biết cách vận dụng thực sự” – thầy Khoa lưu ý.

Phần Làm văn, câu nghị luận xã hội tương tự như năm 2018, vẫn yêu cầu học sinh viết một đoạn văn khoảng 200 từ về một vấn đề đặt ra trong văn bản ở phần Đọc hiểu. Câu nghị luận văn học, đề yêu cầu phân tích hai lần miêu tả cung cách ăn uống của nhân vật người vợ nhặt trong tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân: Lần thứ nhất khi gặp Tràng ở chợ, lần thứ hai trong bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới. Như vậy, phạm vi kiến thức hoàn toàn thuộc chương trình lớp 12.

Theo thầy Khoa, thực chất câu hỏi là yêu cầu học sinh phân tích sự thay đổi nhân vật người vợ nhặt trước và sau khi theo Tràng về làm vợ thông qua hai chi tiết. Tuy không còn hình thức liên hệ với chi tiết, nhân vật, tác phẩm khác nhưng để đạt được điểm cao học sinh vẫn phải chỉ ra sự khác biệt trong nội tại nhân vật. Để chỉ ra sự khác biệt đó bắt buộc học sinh phải sử dụng thao tác lập luận so sánh để chỉ rõ hai giai đoạn khác nhau trong cuộc đời nhân vật người vợ nhặt thông qua hai chi tiết.

“Tóm lại, đề thi có sự thay đổi về phạm vi kiến thức, cấu trúc (nội tại từng phần) và kĩ năng. Về cơ bản, đề thi chỉ tập trung kiến thức lớp 12. So với năm trước, đề tham khảo dễ hơn nhưng khó đạt điểm cao vì học sinh dễ mất điểm ở những câu viết cảm nhận của cá nhân (phần Đọc hiểu), ở kĩ năng (phần nghị luận văn học)” – thầy Nguyễn Văn Khoa kết luận.

Với đề thi môn Hóa học, thầy Đặng Xuân Chất, cũng giảng dạy tại Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) phân tích: Đề có tỉ lệ câu hỏi thuộc chương trình Hóa học 11 là 10%, còn lại 90% là các câu hỏi thuộc chương trình lớp 12, không có câu hỏi chỉ thuộc chương trình lớp 10. Các câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng, không có câu hỏi vận dụng cao. Đề thi vẫn sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó nhưng ở mức tương đối. Các câu hỏi khó mang tính phân loại cao hơn bắt đầu từ câu 73 – 80.

Điểm ấn tượng nhất của đề minh họa năm nay, theo thầy Chất là đã có sự chú trọng hơn về câu hỏi về thí nghiệm (số lượng câu hỏi tăng); trong đó câu 76 mang tính phân loại đòi hỏi học sinh phải thực sự hiểu thí nghiệm mới có thể làm chính xác. Đề tham khảo THPT quốc gia 2019 có số lượng câu hỏi tính toán giảm ở tất cả các cấp độ, cụ thể chỉ có 15 câu tính toán (chiếm 37,5% tổng số câu hỏi).

Đánh giá chung, thầy Chất cho rằng, đề năm nay có độ khó giảm so với năm trước, phù hợp với tiêu chí lấy xét tốt nghiệp là mục tiêu chính. Dự kiến học sinh trung bình có thể đạt được mức độ 6 – 7 điểm, số lượng điểm cao sẽ tăng so với năm trước.

 Thầy Đặng Xuân Chất hướng dẫn học sinh học, ôn với đề thi tham khảo

Học vẹt không thể có điểm cao

Định hướng trong công tác dạy học, ôn tập, thầy Nguyễn Văn Khoa cho biết, tuy đề tham khảo chỉ tập trung kiến thức lớp 12 (phần nghị luận văn học), nhưng để giải quyết được vấn đề cần phải có kĩ năng, kiến thức từ lớp 10, 11 như các thao tác lập luận, cách viết đoạn văn, cách trình bày đoạn văn. Giáo viên không dạy học sinh học tủ, học vẹt, học mẹo mà phải vận dụng kiến thức để đọc hiểu văn bản ngoài sách giáo khoa. Đồng thời, trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản trong chương trình sách giáo khoa lớp 12; chú trọng vào hướng dẫn học sinh kĩ năng làm bài nhất là những câu hỏi yêu cầu vận dụng.

“Đề thi phần nghị luận văn học rất dễ ra với các tác phẩm văn xuôi như: Sự biến đổi của nhân vật Mị, A Phủ, người đàn bà hàng chài, nghệ sĩ Phùng, Chánh án Đẩu, Vũ Như Tô… rất khó với các tác phẩm thơ. Đề thi tuy phạm vi hẹp hơn nhưng yêu cầu kĩ năng cao hơn (phần Đọc hiểu), và khó nhận biết hơn (phần nghị luận văn học) nên cần cho học sinh tiếp xúc nhiều với các dạng “đề chìm”. Vì vậy, cần cung cấp cho học sinh kiến thức tổng hợp để bài làm được điểm cao nhất” – thầy Khoa chia sẻ kinh nghiệm.

Tư vấn ôn thi từ đề thi tham khảo, thầy Đặng Xuân Chất lưu ý, do mức số lượng câu hỏi thuộc mức độ vận dụng cao giảm so với năm trước nên học sinh cần tập trung ôn chắc các kiến thức cơ bản trước khi sa đà vào các câu hỏi khó, đòi hỏi khả năng tư duy và kĩ năng làm bài cao. Bên cạnh đó, học sinh cần được làm và hiểu rõ các bước tiến của thí nghiệm, giải thích được vai trò của từng bước thay vì chỉ phỏng đoán dựa vào lí thuyết suông. Đồng thời, học sinh nên tập trung ôn tập nhiều hơn vào kiến thức của lớp 12 do phần này chiếm tỉ lệ cao (khoảng 90% kiến thức đề thi).

Nguồn: giaoducthoidai.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *