Nhiều chuyên gia, giáo viên đồng tình với phương án thi THPT quốc gia 2019 của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, phạm vi kiến thức ôn tập chưa rõ ràng khiến nhiều thầy cô còn băn khoăn.
Theo thông tin Bộ GD&ĐT công bố ngày 4/12, kỳ thi THPT quốc gia 2019 có một số thay đổi như: Bộ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, chứ không giao cho các sở như năm 2018. Trường đại học không phối hợp coi thi tại địa phương, quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi sẽ có camera giám sát 24/24.
Nhiều phương án kỹ thuật thay đổi tích cực
TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho hay ông thấy tín hiệu lạc quan từ một số điều chỉnh chính sách và kỹ thuật tổ chức thi THPT quốc gia 2019.
TS Vinh hy vọng những thay đổi này sẽ hạn chế tiêu cực khi để địa phương can thiệp quá sâu vào khâu chấm bài, ghép điểm. Việc tăng trọng số của điểm thi tốt nghiệp là lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT nên có văn bản chỉ đạo các sở GD&ĐT giám sát việc đánh giá quá trình 3 năm học THPT, đề phòng nâng điểm để bù trọng số xét tốt nghiệp.
Ông Vinh cũng cho rằng Bộ GD&ĐT cần phối hợp Bộ Công an để xử lý thật nghiêm cán bộ vi phạm quy chế thi tốt nghiệp ở các địa phương Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình để tăng cường sự răn đe.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp hy vọng nếu công tác biên soạn, chọn lựa đề thi làm tốt, kỳ thi năm tới sẽ thành công.
Thầy Nguyễn Thành Công – giáo viên ở Hà Nội – cho rằng Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 theo hướng giữ ổn định để không ảnh hưởng nhiều đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh. Việc tăng tỷ lệ 70%-30% giữa điểm bài thi và điểm học bạ cũng là biện pháp kỹ thuật thúc đẩy quá trình học tập của các em, chuẩn bị ôn tập từ sớm, tránh tình trạng bị điểm liệt khi làm bài thi thật.
Thầy Đào Tuấn Đạt – phụ trách chuyên môn trường THPT Anhxtanh, Hà Nội – nhận định Bộ GD&ĐT đã có những thay đổi ở khâu kỹ thuật nhằm hạn chế gian lận, như xếp phòng thi, đánh phách điện tử và không can thiệp sửa chữa được phần mềm. Gian lận nếu có chỉ có thể xảy ra ở khâu tổ chức và coi thi. Sau nhiều năm coi thi THPT quốc gia, giáo viên này đề xuất trưởng điểm thi nên đến từ các trường đại học.
Theo thầy Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội – nói ông thấy những hạn chế, kẽ hở của kỳ thi đã được điều chỉnh hợp lý hơn. Điều khiến thầy Bình băn khoăn là gần như năm nào kỳ thi THPT quốc gia cũng có vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức.
“Có vẻ chúng ta chưa nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học từ cơ sở lý luận đến thực tế. Điều này đã làm cho phụ huynh, học sinh, giáo viên và toàn xã hội lúc nào cũng trong trạng thái thấp thỏm, lo âu, chỉ chờ Bộ GD&ĐT thay đổi cách tổ chức thi ra sao để tự điều chỉnh”, thầy Bình nêu quan điểm.
Vị hiệu trưởng này cho rằng hiện giáo dục còn nặng tư tưởng “Học để đi thi, thi gì thì học nấy” nên vẫn loay hoay trong khâu tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Bộ GD&ĐT cũng chưa có giải pháp chiến lược, dài hạn nào để ổn định tình hình trong thời gian dài.
“Chủ yếu là chương trình lớp 12” là thuật ngữ mơ hồ
Bên cạnh sự ủng hộ về phương án thi, nội dung kiến thức trong đề thi là điều khiến nhiều giáo viên, học sinh còn đặt câu hỏi.
Thầy Nguyễn Thành Công bày tỏ theo lộ trình công bố, năm 2018, nội dung kiến thức đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và 12. Tuy nhiên, xem xét kỹ nội dung đề trắc nghiệm môn Sinh học năm 2018, chỉ có nội dung học kỳ I của năm học lớp 11 ở tất cả đề thi. Thực tế có học sinh “trúng tủ”, gây bất lợi với bạn học thật, thi thật.
Đến năm 2019, Bộ GD&ĐT công bố nội dung thi “chủ yếu là chương trình lớp 12”, một thuật ngữ rất mơ hồ. Bộ nên công bố tỷ lệ tương đối giữa các lớp, ví dụ 10% lớp 10; 20% lớp 11 và 70% lớp 12 để giáo viên và học sinh có định hướng ôn thi tốt hơn.
Thầy Công đề xuất học kỳ I của năm học 2018-2019 đã dần kết thúc, Bộ GD&ĐT cũng nên công bố thời điểm có đề minh họa để học sinh và giáo viên chủ động, có cơ sở đánh giá sức học, mức độ đề, từ đó có kế hoạch chuẩn bị ôn tập tốt hơn.
Thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên Ngữ văn tại Nam Định, mong muốn Bộ GD&ĐT thông báo sớm về nội dung giới hạn, ma trận, mức độ khó của đề thi để giáo viên và học sinh khỏi hoang mang.
Nếu đề thi có cả ba khối lớp 10, 11 và 12, trong khi đó môn trắc nghiệm trải đều kiến thức, học sinh làm bài tổ hợp rất áp lực. Hiện tại, giáo viên và học sinh loay hoay, chưa biết dạy và học như thế nào cho phù hợp.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần định hướng kiến thức lớp 10, 11 cụ thể là bao nhiêu phần trăm và thuộc những phần nào, bởi nếu chiếm số lượng lớn sẽ gây quá tải với đa số học sinh.
Nguồn: https://news.zing.vn/phuong-an-thi-thpt-quoc-gia-2019-con-mo-ho-phan-gioi-han-kien-thuc-post897697.html